Cấu trúc vốn là một vấn đề quan trọng trong các quyết định tài trợ của doanh nghiệp. Đây không phải là một vấn đề mới mẻ nhưng luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà nghiên cứu kinh tế và tài chính trên khắp thế giới. Những tranh luận xung quanh các quan điểm lý luận và tính hiệu quả của các lý thuyết cấu trúc vốn vẫn chưa bao giờ kết thúc. Một trong những lý thuyết được nhiều người quan tâm đó là lý thuyết trật tự phân hạng (Pecking Order Theory).
Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cụ thể về lý thuyết trật tự phân hạng (Pecking Order Theory) và nội dung cụ thể của lý thuyết này.
Mục Lục
Lý thuyết trật tự phân hạng (Pecking Order Theory) là gì?
Lý thuyết trật tự phân hạng thị trường (Pecking Order Theory) còn gọi là lý thuyết thứ tự tăng vốn. Lý thuyết này được nghiên cứu khởi đầu bởi Meyers và Majluf (1984). Lý thuyết trật tự phân hạng cho rằng các nhà quản lý ưu tiên tài trợ cho các cơ hội đầu tư bằng ba nguồn: đầu tiên là thông qua thu nhập giữ lại của công ty, tiếp theo là nợ và chọn tài trợ bằng vốn chủ sở hữu là phương án cuối cùng.
Xem thêm:
- Kinh tế vĩ mô là gì? Khác Kinh tế vi mô ra sao?
- LLC là gì?
Nội dung của Pecking Order Theory là gì?
Giả thuyết của lý thuyết bao gồm: (i) Tồn tại vấn đề bất cân xứng thông tin giữa nhà quản trị doanh nghiệp và nhà đầu tư bên ngoài; (ii) Nhà quản trị doanh nghiệp sẽ hành động vì lợi ích tốt nhất cho chủ sở hữu hiện hành.
Lý thuyết này không đi tìm cơ cấu nguồn vốn tối ưu mà thay vào đó đi xác định một thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn nguồn vốn trong quyết định tài trợ. Theo lý thuyết này, doanh nghiệp ưa thích lựa chọn tài trợ bằng nguồn vốn bên trong hơn so với nguồn vốn bên ngoài. Trong trường hợp phải lựa chọn nguồn vốn bên ngoài, doanh nghiệp sẽ lựa chọn theo một thứ tự sao cho đạt được mục tiêu tối thiểu hoá sự gia tăng chi phí do thông tin bất đối xứng.
Lý thuyết trật tự phân hạng cho rằng các nhà quản trị doanh nghiệp sẽ có lợi thế hơn nhà đầu tư bên ngoài trong việc biết nhiều thông tin về triển vọng, rủi ro và giá trị doanh nghiệp.
Thứ tự ưu tiên trong lựa chọn nguồn vốn bao gồm: (1) Nguồn vốn bên trong; (2) Nợ vay; (3) Vốn góp của chủ sở hữu.
Nợ vay được lựa chọn trước vốn góp của chủ sở hữu vì:
- (i) Chi phí sử dụng nợ vay thấp hơn so với chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu. Do vậy, quyền kiểm soát của chủ sở hữu hiện tại không bị phân tán, chia sẻ;
- (ii) Mặc dù nhà quản trị doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin doanh nghiệp cho chủ nợ. Tuy nhiên, vấn đề thông tin bất cân xứng mang lại lợi thế cho doanh nghiệp để phát đi những tín hiệu tích cực rằng các khoản đầu tư đang được kỳ vọng mang lại lợi nhuận cao và nhà quản trị muốn tận dụng lợi thế của đòn bẩy tài chính
Vốn góp của chủ sở hữu là lựa chọn cuối cùng vì:
- (i) Chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu cao và sự lựa chọn nguồn tài trợ này thường phát đi tín hiệu tiêu cực;
- (ii) Các cổ đông tiềm năng sẽ tạo ra thách thức cho giá trị thực của cổ phiếu do họ phải tùy thuộc vào thông tin do nhà quản trị cung cấp, cổ đông thư̛ờng yêu cầu một mức giá thấp đối với cổ phiếu được phát hành mới vì họ không thể chắc chắn cổ phiếu được đánh giá đúng giá trị thực.
Tiêu điểm của thuyết này không tập trung vào kết cấu vốn tối ưu (vì lợi nhuận tái đầu tư đứng đầu trật tự phân hàng còn vốn cổ phần đứng cuối trật tự phân hạng) nhưng tập trung vào sự quyết định tài chính hiện hành sắp tới. Quyết định về cấu trúc vốn không dựa trên hệ số nợ mà dựa trên phân hạng thị trường.
Tỷ lệ Nợ/Tài sản = f {hoạt động kinh doanh, nhu cầu đầu tư}
Như vậy, Myers và Majluf cho rằng sẽ không có một cấu trúc vốn tối ưu với các doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm:
- Lý thuyết Dow là gì? Ứng dụng trong Phân tích kỹ thuật ra sao?
- Lợi thế so sánh là gì? Ví dụ cụ thể
Những ưu điểm và hạn chế của thuyết trật tự phân hạng (Pecking Order Theory)
Myers và Majluf cho rằng không có một cấu trúc vốn tối ưu, việc huy động vốn sẽ theo một trật tự phân hạng nhất định. Thuyết không tập trung vào cơ cấu nguồn vốn tối ưu bởi lợi nhuận tái đầu tư đứng đầu trật tự phân hạng còn vốn cổ phần đứng cuối trật tự phân hạng. Nó tập trung vào các quyết định hiện hành.
Quyết định về cơ cấu nguồn vốn không dựa trên hệ số nợ mà dựa trên phân hạng thị trường. Dưới đây là những ưu điểm và hạn chế của lý thuyết này.
Ưu điểm
Thuyết trật tự phân hạng có những ưu điểm sau:
- Giải thích tại sao các doanh nghiệp có khả năng sinh lợi nhiều thì thường vay ít hơn. Không phải vì họ có các tỷ lệ đòn bẩy mục tiêu thấp mà vì họ không cần nguồn tài trợ bên ngoài. Các doanh nghiệp có khả năng sinh lời ít hơn sẽ phát hành nhiều nợ vì họ không có nguồn vốn bên trong đủ cho đầu tư vốn và vì tài trợ nợ chỉ đứng sau lợi nhuận để lại trong trật tự phân hạng.
- Lý giải những hành động quản trị, các doanh nghiệp có khả năng sinh lời cao với cơ hội đầu tư hạn chế sẽ cố gắng duy trì tỷ lệ nợ mục tiêu thấp trong khi các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư lớn hơn nguồn nội bộ thì buộc phải tăng tỷ lệ nợ.
- Giúp dự báo các thay đổi trong tỷ lệ nợ của nhiều doanh nghiệp ở giai đoạn phát triển bão hòa. Tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp tăng khi các doanh nghiệp có thâm hụt tài chính và giảm khi có thặng dư tài chính.
Hạn chế
Bên cạnh đó, thuyết trật tự phân hạng cũng có hạn chế:
- Không giải thích được khác biệt trong tỷ lệ nợ giữa các ngành. Ví dụ, tỷ lệ nợ có xu hướng thấp trong các ngành công nghệ cao, tăng trưởng cao ngay cả khi nhu cầu vốn bên ngoài rất lớn.
- Không cho thấy ảnh hưởng của các yếu tố như thuế, chi phí kiệt quệ tài chính, chi phí đại diện tới cấu trúc vốn.
- Không có mô hình lý thuyết để xác định cấu trúc vốn tối ưu.
Kết luận
Trên đây là những thông tin chia sẻ về nội dung cũng như những ưu điểm và hạn chế của lý thuyết trật tự phân hạng. Có thể thấy rằng lý thuyết trật tự phân hạng không đúng hết với mọi doanh nghiệp. Có nhiều trường hợp doanh nghiệp tài trợ thông qua việc phát hành cổ phần thường một cách dễ dàng. Nhưng lý thuyết trật tự phân hạng đã giải thích được tại sao hầu hết tài trợ từ bên ngoài là nợ vay và tại sao các thay đổi trong tỉ lệ nợ thường theo sau các nhu cầu tài trợ từ bên ngoài.
Thông tin được biên tập bởi: taichinh24h.com.vn